Hi, How Can We Help You?

Hệ thống đào tạo Đại học & Cao đẳng ở Canada

 

 

Du học bậc Đại học được “người trong nghề” xem là con đường ngắn nhất để định cư tại Canada. Tuy nhiên, bạn đừng lầm tưởng là nó dễ. Lúc đi thì ngắn nhưng khâu chuẩn bị thì dài, làm thế nào để tiết kiệm tối đa công sức và thời gian? Bạn hãy tìm hiểu dưới đây nhé!

Hệ thống đào tạo Đại học & Cao đẳng ở Canada

Một học sinh Trung học ở Canada sau khi tốt nghiệp phổ thông sẽ có 4 con đường để chọn nếu muốn tiếp tục học lên cao.

Hệ thống cao đẳng đào tạo ra 5 loại bằng chính: Post-secondary Certificate (1 năm), Diploma (2 năm), Advanced Diploma (3 năm), Bachelor (4 năm), và Post-graduate (1-2 năm).

Điểm đặc biệt ở Canada là bằng Cử nhân Cao đẳng được xếp ngang hàng với bằng Cử nhân Đại học trong mắt các nhà tuyển dụng. Điểm khác biệt giữa 2 bằng nằm ở hướng đào tạo, trong khi đại học chú trọng vào lý thuyết còn Cao đẳng lại thiên về kỹ năng làm việc. Nhiều trường Cao đẳng còn bao gồm chương trình thực tập tại các doanh nghiệp liên kết (Co-op) để sinh viên có được lợi thế về kinh nghiệm làm việc.

Tóm lại, nếu bạn muốn:

  • Có kinh nghiệm ngay trong lúc học
  • Dễ tìm việc làm tại Canada sau tốt nghiệp
  • Xác định không học Thạc sĩ/Tiến sĩ 
  • Không đủ khả năng chứng minh tài chính để xin visa
  • Muốn tiết kiệm chi phí và thời gian học

Lúc này, du học Canada hệ Cao đẳng là một lựa chọn hợp lý.

1/ Cao Đẳng Đại Học (University College)

Các trường dạng này thông thường đều có liên kết với các trường Đại học trong vùng, nhờ đó mà sinh viên của họ dễ dàng liên thông lên đại học so với các dạng Cao đẳng khác.

2/ Cao Đẳng Cộng Đồng (Community College)

Học ở Cao đẳng cộng đồng cũng có thể liên thông lên Đại học. Thời gian học từ 1-3 năm và hầu như ngành học nào cũng có.

3/ Chương Trình Chuyển Tiếp Đại Học (University Transfer Program)

Điều kiện tham gia chương trình chuyển tiếp là sinh viên đã hoàn thành đủ tín chỉ để xét 2 năm đầu Đại học. Tín chỉ này có thể được học ở 2 dạng trường Cao đẳng trên miễn là ngành học phù hợp với ngành bạn nhắm tới ở Đại học. Ngoài ra, mỗi trường Đại học sẽ có thêm những điều kiện nhập học riêng tuỳ mỗi năm.

Riêng tỉnh Quebec lại có một quy trình riêng. Học sinh hoàn thành lớp 11 sẽ được tốt nghiệp trung học, nếu muốn học lên thì tiếp tục chương trình 2 năm gọi là Cégep, bao gồm 2 hướng:

  • Học chuyển tiếp 2 năm liên thông lên Đại học
  • Học kỹ thuật 3 năm, đi làm ngay sau tốt nghiệp

4/ Trường nghề (Vocational School/Technical Institute/Career College)

Các trường nghề (hay còn gọi là Cao đẳng nghề) ở Canada tuy thuộc sở hữu tư nhân nhưng đều phải được tỉnh bang công nhận về tiêu chuẩn trong chương trình học và chất lượng giảng dạy mới được phép hoạt động.

Trường nghề tập trung vào đào tạo những kỹ năng thực tế của các ngành nghề để người học áp dụng vào công việc ngay khi ra trường. Đây là lợi thế so với giáo dục Đại học/Cao đẳng, khi sinh viên bắt buộc phải tham gia các lớp học với nhiều chủ đề, dù có thể không liên quan trực tiếp đến chuyên ngành hoặc sau tốt nghiệp không áp dụng được.

Hình thức đào tạo này rất đa dạng về khoá học, trải rộng từ nấu ăn, thể thao, trình diễn, thiết kế, công nghệ, du lịch, kỹ thuật, các kỹ năng kinh doanh,… Ngoài ra, người học còn được linh hoạt lựa chọn độ dài khóa học từ vài tháng đến cao nhất là 4 năm. Một số trường Đại học còn kết hợp các khoá dạy nghề trong chương trình dạy của mình để tăng vốn kiến thức thực tiễn cho sinh viên.

5/ Đại học (University)

Bằng cử nhân (bachelor) hoặc cử nhân nghiên cứu (honour bachelor) kéo dài 3-4 năm hoặc nhanh hơn nếu trường có khóa fast track dành cho sinh viên muốn tiết kiệm thời gian.

Cử nhân sau khi tốt nghiệp vẫn muốn trau dồi nghiệp vụ hoặc khám phá những kiến thức ngoài chuyên ngành thì có thể học thêm Post-graduate. Chứng chỉ này cần khoảng 1-2 năm để hoàn thành.

Học vị thạc sĩ chỉ những trường Đại học mới được phép đào tạo, chia thành thạc sĩ (master) và thạc sĩ nghiên cứu (honour master), thường kéo dài 2 năm. Một điều cần lưu ý là điều kiện đầu vào cho thạc sĩ ở Canada được đánh giá là khó hơn so với Úc, Mỹ.

Học vị tiến sĩ (PhD) là học vị cao nhất trong hệ thống giáo dục Canada. Chương trình học 3 – 4 năm, nghiên cứu  từ 2 – 5 năm.

 

Điều kiện đầu vào cho các bậc ở Đại học tại Canada cũng khó nhằn không hề kém cạnh Anh, Mỹ và cũng chẳng có chuyện ưu tiên cho học sinh quốc tế. Bạn cần phải vừa học giỏi, vừa năng động với các vấn đề xã hội và có tài chính vững mạnh để được nhận vào học. Dưới đây là bảng tổng hợp các điều kiện để bạn tham khảo:

 

 

Cử nhân (Bachelor)

Thạc sĩ (Master)

Học phí mỗi năm

$25.000+ CAD

$22.00+ CAD

Học vấn

GPA 8.0 và IELTS 6.5

GPA 7.8 và IELTS 7.0

Yêu cầu khác

Viết bài luận, phỏng vấn và thư giới thiệu

Viết bài luận, phỏng vấn, GMAT/GRE, thư giới thiệu và 2-3 năm làm việc trong lĩnh vực liên quan

Học bổng

Rất ít học bổng cho sinh viên quốc tế, thường chỉ 10%-50% học phí

Rất ít học bổng cho sinh viên quốc tế, thường chỉ 10%-50% học phí

Kỳ nhập học tại Canada

Canada không thi tuyển sinh Đại học mà chỉ xét tuyển, mỗi trường lại có tiêu chuẩn nhập học riêng và thủ tục xét hồ sơ theo từng trường hợp. Sinh viên sẽ nhập học theo 3 kỳ như sau:

 

Các kỳ nhập học

Thời gian khai giảng

Kỳ mùa Thu (phổ biến nhất)

Tháng 9

Kỳ mùa Đông

Tháng 1

Kỳ mùa Hè (ít phổ biến)

Tháng 5 hoặc tháng 8

Tại sao chọn Canada để học Đại học?

1/ Chi phí du học phải chăng

Học phí và sinh hoạt phí của du học sinh Canada thấp hơn rõ ràng so với mặt bằng chung của các quốc gia nói tiếng Anh cùng mức sống như Hoa Kỳ, Anh Quốc và Úc. 

Học phí mỗi năm cho bậc đại học ở mức $25.000+ CAD, bậc cao đẳng $15.000 – $18.000 CAD, thạc sĩ $22.000+ và post-grad $15.000 – $18.000 CAD.

Về chi phí sinh hoạt (thuê nhà, ăn uống, di chuyển, giải trí) bạn cần dự trù ngân sách từ 1.000 – 2.000 CAD/tháng. Theo khảo sát năm 2023 của Mercer, các thành phố đắt đỏ nhất là Vancouver, Toronto và Montreal. Một số thành phố rẻ nhất là:

  • Hamilton, Ontario
  • Sherbrooke, Quebec
  • Winnipeg, Manitoba
  • Regina, Saskatchewan

2/ Giấy phép làm việc sau đại học

Canada vốn được đánh giá là cởi mở cho người nhập cư, đặc biệt là người có trình độ cao. Khi tốt nghiệp chương trình học ít nhất 2 năm, sinh viên quốc tế đủ điều kiện xin giấy phép làm việc (PGWP) lên đến 3 năm, còn chương trình học 12 tháng sẽ tương ứng với giấy phép 12 tháng. Ngoài ra, sau khi làm việc chính thức từ 6 tháng là bạn có thể nộp hồ sơ định cư.

3/ Sự đa dạng văn hóa

Canada được xếp hạng trong số các quốc gia đa văn hóa nhất trên thế giới nhờ chính sách định cư cởi mở so với Hoa Kỳ và các nước châu Âu. Có đến 50% dân số nước này có ngôn ngữ mẹ đẻ không phải tiếng Anh và hơn 120.000 sinh viên quốc tế hàng năm, thế nên dù bạn chọn nơi nào ở Canada thì chắc chắn đều sẽ được đắm mình vào môi trường đa văn hoá muôn màu.

4/ Canada sở hữu nhiều trường đại học hàng đầu thế giới

Nói rằng “Canada toàn trường top” thì cũng chẳng ngoa. Đất nước lá phong hoàn toàn có thể vỗ ngực tự hào rằng mình không hề thua kém Hoa Kỳ, Úc và các nước châu Âu khi nói về giáo dục Đại học.

Một số trường Đại học được xếp hạng hàng đầu của Canada theo World University Ranking 2023, bởi Times Higher Education là:

  • Đại học Toronto (top 20 trường đại học tốt nhất Thế giới theo THE)
  • Đại học British Columbia (top 40 trường đại học tốt nhất Thế giới theo THE)
  • Đại học McGill (top 50 trường đại học tốt nhất Thế giới theo THE)
  • Đại học Montréal (top 120 trường đại học tốt nhất Thế giới theo THE)
  • Đại học Alberta (top 120 trường đại học tốt nhất Thế giới theo THE)

Chọn ngành học gì ở Canada?

Ngoài năng lực và đam mê của mỗi người thì có 2 tiêu chí chính để bạn có thể dựa vào đó để chọn ngành học cho mình nếu có mục tiêu ở lại sau khi tốt nghiệp: ngành có nhu cầu tuyển dụng cao và ngành được ưu tiên xét định cư.

Đầu tiên, bạn cần tham khảo danh sách phân loại nghề nghiệp quốc gia National Occupational Classification (NOC) tại website https://noc.esdc.gc.ca/. Tại đây, mỗi ngành nghề ứng với một mã code (ví dụ: NOC 10010 là Financial managers – quản lý tài chính) và được trình bày cụ thể những chức vụ, nhiệm vụ chính, yêu cầu và cấp độ kỹ năng (TEER) của ngành nghề đó. Thông thường, mỗi tỉnh bang đều công bố các khảo sát về nghề nghiệp, bạn có thể tham khảo những ngành nghề đang được ưu tiên tuyển dụng.

TOP 10 ngành tuyển dụng nhiều nhất tại tỉnh Manitoba giai đoạn 2022-2026 (theo Manitoba Labour Market Outlook):

  • Tài xế xe tải – NOC 73300
  • Nhân viên bán lẻ – NOC 64100
  • Trợ lý y tá, điều dưỡng và chuyên viên chăm sóc bệnh nhân – NOC 33102
  • Quản lý bán lẻ và bán sỉ – NOC 60020
  • Giáo viên tiểu học và mầm non – NOC 41221
  • Trợ giảng tiểu học và trung học – NOC 43100
  • Nhà giáo dục và trợ lý giáo dục trẻ em giai đoạn đầu đời – NOC 42202
  • Người đứng quầy thực phẩm, giúp việc trong bếp và các nghề hỗ trợ liên quan – NOC 65201
  • Nhân viên hỗ trợ hành chính – NOC 1411

Nếu bạn chọn định cư theo chương trình Express Entry hoặc Đề cử tỉnh bang, thì hệ thống chấm điểm hồ sơ của bạn, hay còn gọi là Comprehensive Ranking System (CRS), sẽ dựa trên 4 tiêu chí chính: tuổi tác, trình độ ngôn ngữ, kinh nghiệm làm việc tại Canada và trình độ học vấn. Bạn có thể dựa vào đây để chọn ngành nghề có trình độ học vấn, thể hiện qua cấp TEER, và nhóm ngành, tức major group, đang được ưu tiên. Ví dụ: Ngành NOC 00012 – Quản lý cấp cao về tài chính, truyền thông và dịch vụ kinh doanh khác (TEER 0, nhóm ngành 00), được cộng tới 200 điểm trong tổng điểm tối đa 1200.

Tóm lại, không có một ngành nghề cố định nào là “tốt nhất để định cư Canada” cả. Việc chọn gì để học nên đến từ sự nghiên cứu kỹ càng về xu thế tuyển dụng, ưu tiên của mỗi tỉnh bang trong thời kỳ đó, năng lực và đam mê của bản thân. Nếu điều kiện thời gian không cho phép, bạn nên tìm một đơn vị tư vấn có đủ chuyên môn để chọn được con đường định cư phù hợp nhất.

Kết luận

Nếu chỉ nhớ được 3 điều từ bài viết này, bạn hãy nhớ rằng:

  1. Canada có nhiều lựa chọn để học các bậc sau Trung học và sau Đại học, hãy chọn cái phù hợp nhất với mình
  2. Cần có điều kiện tài chính tốt
  3. Trang bị kỹ thông tin về chính sách định cư và việc làm đang được ưu tiên