Bạn muốn biết chuyện học hành tại Canada như thế nào, chỉ cần lướt thử vài (thậm chí vài chục) bài viết về những hệ thống giáo dục tốt nhất Thế Giới, chắc chắn bạn sẽ luôn tìm thấy cái tên của đất nước có quốc kỳ hình lá phong.
Tại sao thế nhỉ? Hãy cùng tìm hiểu nhé!
Hệ thống giáo dục Canada
Trước tiên, chúng ta cần nắm được cấu trúc của hệ thống này, tức là các bước trên con đường học vấn mà một đứa trẻ Canada cần phải đi qua.
1/ Trước tiểu học (Pre-elementary)
Cấp học mầm non thường kéo dài 1-2 năm. Trẻ em không bắt buộc phải tham gia, trừ hai tỉnh bang New Brunswick và Nova Scotia.
Chương trình giảng dạy mầm non ở Canada rất thoải mái, với mục tiêu làm bước đệm cho các em nhỏ vào tiểu học nên sẽ bao gồm các kỹ năng cơ bản như đếm, đọc, âm nhạc, nghệ thuật và cách chơi cùng tập thể.
2/ Tiểu học (Primary)
Giáo dục tiểu học hoặc tiểu học ở Canada là bắt buộc khi trẻ em lên 6-7 tuổi cho đến 11-12 tuổi, bắt đầu từ lớp 1 và kéo dài đến lớp 6.
Ở Canada, bậc Tiểu học thường theo mô hình giống Việt Nam, chỉ có một giáo viên dạy tất cả các môn học trong cùng một lớp học với cùng học sinh. Các môn được giảng dạy khá toàn diện bao gồm: Toán, tiếng Anh (ở Quebec là tiếng Pháp), lịch sử, khoa học, âm nhạc, nghệ thuật, thể dục, nghiên cứu xã hội,…
3/ Trung học (Secondary)
Giáo dục trung học ở Canada có hai cấp: trung học cơ sở (junior high school) và trung học phổ thông (high school).
Giáo dục trung học cơ sở kéo dài hai năm bao gồm lớp 7 và lớp 8. Hai năm này giúp học sinh có cơ hội thích nghi với những thay đổi trong mô hình giảng dạy: mỗi giáo viên chỉ dạy một môn và có lớp riêng, học sinh di chuyển giữa các lớp sau mỗi tiết.
Trung học phổ thông kéo dài 4 năm, từ lớp 9 cho đến lớp 11 hoặc 12 (16-18 tuổi, tùy theo tỉnh bang). Ở Quebec, giáo dục trung học kết thúc ở lớp 11, sau đó là chương trình dự bị đại học kéo dài hai năm được gọi là Cégep.
Chương trình học thường bao gồm các môn bắt buộc (Anh ngữ, toán, khoa học, lịch sử, địa lý, nghệ thuật, thể dục, giáo dục công dân, định hướng nghề nghiệp, Pháp ngữ hoặc tương đương,…) và các môn tự chọn đa dạng tuỳ theo sở thích, năng lực cũng như ngành nghề mỗi học sinh nhắm tới trong tương lai.
4/ Cao đẳng (college), trường nghề (vocational school) và Đại học (university)
Sau khi tốt nghiệp trung học, học sinh Canada có khá nhiều lựa chọn nếu muốn học tiếp.
Hệ Cao đẳng
thường ở xứ sở lá phong sẽ chia hệ cao đẳng gồm 3 loại hình là cao đẳng đại học (university college), cao đẳng cộng đồng (community college) và cao đẳng nghề (technical institute/career college/Vocational school).
- Bậc Cao đẳng Đại học (University College)
Các trường dạng này thông thường đều có liên kết với các trường Đại học trong vùng, nhờ đó mà sinh viên của họ dễ dàng liên thông lên đại học so với các dạng Cao đẳng khác.
- Bậc Cao đẳng Cộng đồng (Community College)
Học ở Cao đẳng cộng đồng cũng có thể liên thông lên Đại học. Thời gian học từ 1-3 năm và hầu như ngành học nào cũng có.
- Bậc Cao Đẳng Nghề (Technical Institute/Career College/Vocational school)
Các trường nghề (hay còn gọi là Cao đẳng nghề) ở Canada tuy thuộc sở hữu tư nhân nhưng đều phải được tỉnh bang công nhận về tiêu chuẩn trong chương trình học và chất lượng giảng dạy mới được phép hoạt động. Trường nghề tập trung vào đào tạo những kỹ năng thực tế của các ngành nghề để người học áp dụng vào công việc ngay khi ra trường.
Hệ đại học
Đại học ở Canada là nơi có thể lấy được bằng cấp học thuật ở nhiều ngành khác nhau với cấu trúc tương tự Hoa Kỳ, bắt đầu bằng bằng cử nhân, sau đó là thạc sĩ và cuối cùng là tiến sĩ.
Trong khi ở hầu hết các tỉnh của Canada, hệ thống này khá tiêu chuẩn thì Quebec hơi khác một chút. Học sinh tốt nghiệp trung học ngay khi hoàn thành lớp 11, sau đó tiếp tục học tại Cégep. Bao gồm 2 chương trình khác nhau:
- Chương trình học liên thông lên đại học kéo dài trong 2 năm.
- Chương trình học 3 năm. Bạn có thể đi làm ngay sau khi tốt nghiệp.
Ưu và nhược điểm của nền giáo dục Canada
Ưu điểm
1/ Chú trọng thực hành và khuyến khích sự chủ động của người học
Với phương pháp dạy inquiry-based hay project-based, thầy cô sẽ để cho học sinh tự tìm tòi nghiên cứu và sáng tạo, theo nhóm hoặc cá nhân, để hoàn thành các yêu cầu/dự án giáo viên đưa ra. Lý thuyết hiếm khi được truyền đạt trên lớp, thay vào đó, giáo viên sẽ phân tích các ví dụ thực tế, cách giải quyết tình huống, cập nhật nghiên cứu mới nhất và hỗ trợ học sinh khi gặp khó khăn.
Canada cũng chú trọng đến việc định hướng nghề nghiệp ngay trên ghế nhà trường. Ở cấp 3, học sinh được đến tham quan quy trình làm việc tại các công ty, văn phòng, gọi là job shadowing. Ở bậc Cao đẳng, Đại học sinh viên sẽ được tham gia Chương trình hợp tác (Co-op Education) để có kinh nghiệm làm việc thực tiễn tại các doanh nghiệp liên kết với trường ngay trong thời gian học.
Tôn trọng sự riêng tư của người học
Tất cả thông tin cá nhân, bao gồm cả điểm số, xếp hạng, tình trạng sức khoẻ của một học sinh chỉ có học sinh đó, phụ huynh (nếu bạn ấy chưa đủ tuổi trưởng thành) và nhà trường được biết. Sự riêng tư được tôn trọng tối đa. Không có khái niệm so sánh và “thi đua” trong nền giáo dục tiên tiến này.
Chất lượng giáo viên cao
Giáo viên được thuê theo nhu cầu của trường, thường do hiệu trưởng quyết định số lượng và bộ môn cần tuyển. Để được trở thành giáo viên chính thức phải tiến hành một lớp học trước một ủy ban gồm các chuyên gia, gần giống như “dự giờ” ở nước ta, và tham dự phỏng vấn cá nhân. Trong hai năm đầu tiên, hiệu trưởng sẽ kiểm tra sự tiến bộ của giáo viên để đảm bảo tiêu chuẩn. Ngoài ra, cứ 5 năm một lần sẽ tiến hành xem xét toàn diện để chứng minh giáo viên có đáp ứng được các mục tiêu đặt ra hay không.
Nghề giáo được đánh giá cao và đãi ngộ hấp dẫn. Mức lương trung bình của một giáo viên vào khoảng 80.000 đô la mỗi năm và có thể nghỉ hưu ở tuổi 54. Nhờ vậy, nhiều nhân lực chất lượng đã tham gia xây dựng nên nền giáo dục nổi danh Thế giới này.
2/ Nhược điểm
Hệ thống giáo dục khác nhau trên khắp đất nước
Canada là một trong số ít nước trên thế giới không có bộ giáo dục quốc gia. Mỗi tỉnh có một Sở hoặc Bộ Giáo dục riêng phụ trách lập kế hoạch, tài chính trường học, phát triển và đánh giá chương trình giảng dạy, giáo dục đặc biệt, chương trình ngôn ngữ và cải tạo/xây dựng trường. Canada cũng không có hệ thống sách giáo khoa thống nhất toàn quốc mà mỗi người giáo viên trực tiếp đứng lớp sẽ tự lên giáo án và chọn sách để dạy học sinh.
Với dân số đa dạng chủng tộc nhờ chính sách nhập cư cởi mở, hệ thống tỉnh bang này sẽ có lợi cho việc điều chỉnh nội dung đào tạo một cách tối ưu theo nhu cầu của từng cộng đồng. Tuy nhiên, với phụ huynh và học sinh quốc tế muốn đến Canada du học, hệ thống này làm tăng sự phức tạp trong khâu tìm hiểu thông tin và ra quyết định.
Tỷ lệ chấp nhận sinh viên quốc tế vào các trường y Canada thấp
Các trường y ở Canada cực kỳ ít chấp nhận sinh viên quốc tế, trừ khi có sự sắp xếp đặc biệt của chính phủ. Các trường đại học ở đây cũng không cấp bằng cử nhân Y khoa hoặc Phẫu thuật; thay vào đó, bạn sẽ phải đăng ký trực tiếp vào chương trình sĩ Y khoa với 60 giờ tín chỉ bạn có được từ bằng đại học. Chương trình được chia thành hai phần: hai năm học tiền lâm sàng và hai năm đào tạo lâm sàng.